Menu Đóng

EVFTA vừa được Việt Nam thông qua và sắp có hiệu lực

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 8/6/2020.

Ngày 30/3/2020, Hội đồng châu Âu (EC) cũng đã quyết định thông qua EVFTA, bước pháp lý cuối cùng theo thủ tục phê chuẩn nội bộ của EU để EVFTA có hiệu lực. Trước đó, ngày 12/2, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua hiệp định này .

Như vậy, Việt Nam và EU chỉ cần hoàn tất thủ tục thông báo, dự kiến 30 ngày kể từ ngày thông báo là hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực. Đối với EVIPA, các nước thành viên EU cần thông qua trước khi có hiệu lực.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)

Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính như: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế.

Thỏa thuận này sẽ gỡ bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu giữa hai bên trong vòng 10 năm. Theo đó, khoảng 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU và 64.5% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ EU sẽ ngay lập tức được miễn thuế. Thuế suất đối với số hàng hóa còn lại sẽ dần về 0% trong vòng 10 năm.

Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA)

Hai bên cam kết sẽ dành đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc với đầu tư của nhà đầu tư của Bên kia, với một số ngoại lệ, cũng như sự đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng, cam kết bồi thường thiệt hại phù hợp cho nhà đầu tư của bên kia tương tự như nhà đầu tư trong nước hoặc của bên thứ ba trong trường hợp bị thiệt hại do chiến tranh, bạo loạn, v.v…

Trong trường hợp có tranh chấp phát sinh giữa một Bên và nhà đầu tư của Bên kia, hai bên thống nhất ưu tiên giải quyết tranh chấp một cách thiện chí thông qua đàm phán và hòa giải. Trong trường hợp không thể giải quyết tranh chấp thông quan tham vấn và hòa giải thì mới sử dụng đến cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định cụ thể trong Hiệp định này.

Tổng hợp các FTAs có hiệu lực của Việt Nam tính đến năm 2020

Gần đây, Bộ Công Thương đã triển khai Chương trình tập huấn trực tuyến về các cam kết trong Hiệp định EVFTA, đồng thời tổ chức Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA” nhằm cung cấp thông tin chuyên sâu về Hiệp định này cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.

Trường hợp quý Khách hàng cần thêm thông tin chi tiết hoặc tư vấn, hỗ trợ về EVFTA, thành lập doanh nghiệp, liên hệ chúng tôi tại contact@dataxan.com.

Posted in Doanh Nghiệp, Kiến thức, Tư vấn thuế

Related Posts